Wednesday 29 April 2015

Giảng bình 031-034






西
 

Ngư Dương (5) bề cổ động địa lai
Kinh phá Nghê thường vũ y khúc (6)
Cửu trùng thành khuyết yên trần sinh
Thiên thặng vạn kị tây nam hành


Tiếng trống tự đất Ngư Dương đưa lại vang động cả mặt đất, phá tan khúc nhạc Nghê-thường vũ-y. Khói và bụi phát sinh ra ở chốn thành khuyết nhà vua. Nghìn cỗ xe, muôn con ngựa đi sang miền tây nam.


Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến,
Khúc Nghê Thường tan biến như không.
Chín lần thành khuyết bụi tung,
Nghìn xe muôn ngựa chơi vùng Tây Nam. 

Ta không biết Tản Đà đã viết những vần thơ này vào lúc nào — Buổi trưa hay buổi tối? Mùa đông hay hè? Từ thuở sinh ra đời, người đã được nghe những âm thanh gì của lòng đất? Để giờ đây hồn xuân mộng có thể khua vang lời nói của con người đến độ dị thường trầm thống của âm thanh. Ta không biết. Vừa mới ở trên hồn nhạc mơ màng giăng giăng cánh cho trời mây dừng lại giữa du dương. Êm đềm vô hạn. Để bất thình lình... Ầm tiếng trống Ngư Dương. Hồn nhạc của Mozart đã cùng hồn thơ của Racine kết hợp cùng hồn nhạc Beethoven để dậy dàng hòa nên cung bậc. Ta muốn kêu gọi gấp thiên tài duy nhất của nước Việt về chứng giám cho ta. Hãy về đây, hỡi thiên tài đất Việt! Đoạn trường đây, lần nữa lại tân thanh. Tản Đà đây Tiên Điền Nguyễn Khắc Hiếu! Đất gọi trời con nhạc dậy long lanh. 
   
Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến,
Khúc Nghê Thường tan biến như không. 

Ta muốn dừng đây. Đừng đi đâu hết. Để cùng đời chìm chết giữa tai ương. Đi đâu? Hà tất? Thơ nhạc gì? Nói nữa? Có cần không?

Những vần thơ vô biên xui linh hồn thảng thốt. Nhà thơ có thật là thi sĩ của nhân gian? Hay đúng là thiên thần giáng trích? Tại sao khi kể chuyện khốc liệt, lời thơ hết sức cảm động vẫn cứ giữ chút giọng điệu mỉa mai, như cợt cười, như đi trên thế sự, như không hề giống giọng Tố Như:


Nén hương đến trước thiên đài,
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
Ầm ầm khóc quỷ kinh thần mọc ra... 

Ta muốn dừng lại để tự hỏi vì sao. Để sững sờ vì sao tai ương quá đẹp. Thi sĩ không phải là người? Ta chưa hết hoang mang. Ta tiếp tục đọc thêm để xóa bỏ niềm ngây ngất. Nếu thi si sĩ là người thì tất sẽ có những vần thơ dở ta sẽ vạch ra.

Và đọc hết bài thơ càng đọc con mắt ta càng mở to ra, mà những giòng chữ thì cứ mờ lại mãi — đọc hết bài thơ, ta nghĩ rằng nó đúng là một thi phẩm quán tuyệt cổ kim, một áng văn chương tuyệt đối. Không thể so sánh với bất kỳ một thi phẩm nào của văn học nhân gian. Ta đứng lên, làm như chàng Kim Trọng:


Vội mầng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
Thời cho cách trở đôi nơi,
Nhân gian rồi với trên trời gặp nhau.
Ngọn đèn khêu đã cạn dầu,
Khó thay! giấc ngủ dễ hầu ngủ xong!
Cảnh xưa dương liễu, phù dung,
Vị Ương, Thái Dịch, hồ cung vẹn mười.
Thấy trăng luống đã đau người,
Đêm mưa đứt ruột, canh dài tiếng chuông.
Là đêm Trùng Thất ngồi chung,
Tháng ngày thư thái Tiên Cung rứt vòng.
Cõi trần như thế là xong,
Trường Sinh sân điện vắng không bóng người.
Thoa vàng hộp khảm phân đôi,
Nửa xin để lại, nửa thời đem đi.
Chỉ xin dạ tạc lòng ghi,
Thoa vàng bền chắc không phai bao giờ.
Rằng: tôi đã có lòng chờ...
Áo cầm đứng dậy thẫn thờ bước ra.
Bâng khuâng nửa mái mây tà,
Thềm cao xuống chiếc mũ hoa lệch lệch đầu.
Phới tay ngọn gió bay màu,
Nghê Thường khúc múa giống màu năm xưa.
Lệ dàn mặt ngọc lưa thưa,
Cành lê hoa chíu hạt mưa xuân đầm.
Mắt ngừng, giòng lệ âm thầm,
Sầu tuôn đứt nối, ướt đầm khăn tay.
Tóc vàng mái phất lung lay,
Mày ngài trước ngựa lúc này thương ôi.
Quân vương bưng mặt cho rồi,
Quay đầu trông lại, máu trôi lệ dàn.
Chơi vùng muôn ngựa Tây Nam,
Mặt trời nhạt thếch buồn tênh tinh kỳ.
Vắng tanh! Dưới núi Nga Mi,
Đường mây Kiếm Các lần đi bụi mờ.
Đất bùn chỗ chết còn trơ,
Thấy đâu mặt ngọc bây giờ Mã Ngôi.
Áo đầm giọt lệ vua tôi,
Nửa xin để lại, nửa thời đem đi.
Đoạn trường thay lúc phân kỳ,
Vó câu khấp khểnh tinh kỳ buồn tênh
Ngậm ngùi nước biếc non xanh,
Lòng vua thương tiếc khôn đành hôm hôm.
Kìa Nam Uyển, nọ Tây Cung,
Đầy thềm ai quét lá hồng thu rơi.
Ngổn ngang trăm mối bời bời,
Vườn lê con hát đâu rồi những ai.
Năm canh chẳng giống đêm dài,
Sông Ngân lấp lánh sácg trời sao chưa.
Lệ dàn mặt ngọc lưa thưa,
Cành lê hoa chíu hạt mưa xuân đầm.
Thề xưa lòng biết với lòng,
Bẻ bai rầu rĩ phím đồng tiếng tơ?
Mai sau dù có bao giờ...
Con tằm đến thác vương tơ vẫn còn.
Xin làm cây chắp liền cành,
Chim trời liền cách cho lành mộng xưa...

Giọng ta bối rối luýnh quýnh đến hay! Kiều sẽ hỏi vì sao mà chàng đờ đẫn, ăn nói lắp bắp đầu Ngô đuôi Sở? Chàng có tự biết như thế hay không? Vì quá si mê mà nên nỗi cà riềng cà tỏi?  

 Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến,
Khúc Nghê Thường tan biến như không.
Chín lần thành khuyết bụi tung,
Nghìn xe muôn ngựa chơi vùng Tây Nam.

Tại sao Tản Đà lại dùng tiếng chơi? Có nhiều người bảo nên đổi lại, nên dùng tiếng giong, hoặc... Tôi bảo không. Phải để chơi vùng Tây Nam. Tại sao? Tại vì dùng tiếng như thế mới đúng điệu Tản Đà. Tài hoa và ngang tàng. Người thi sĩ vẫn đi đứng ở trên nhân vật và sự việc. Dùng chữ như vị trưởng nhạc cầm dùi nhịp đong đưa. Như vị pháp sư đưa tay lên xuống dìu dặt. Nhân vật tuân theo quyền lực của bùa phép pháp sư.  

 Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến

Phép đảo trang mãnh liệt. Tiếng nghỉ thanh ầm tàn khốc, đưa lên đầu câu, như trời long đất lở, trong khi người đương còn mơ màng theo cung nhạc phiêu diêu.

Phải so với nguyên văn mới càng thấy rõ thiên tài Nguyễn Khắc Hiếu. Không riêng gì ở câu này.
 

Ngư Dương bề cổ động địa lai

Dịch sát như Vô Danh: 

Ngư Dương trống trận động trời đất

Nguyên văn sở dĩ thua xa lời dịch là ở nhiều điểm: Bạch Cư Dị không biến đổi nổi giọng điệu lời thơ cho thích hợp cho cái đà dồn dập của sự việc. Trong khi chuyện đời đổi thay cuồng loạn, từ vui chơi hứng thú sang tan tác tơi bời, thì lời thơ họ Bạch vẫn giữa đơn điệu, trầm trầm. Vì lỗi ở họ Bạch hay vì thể thơ không cho phép?

Với Tản Đà, khác hẳn. Thiên tài của ông đã cao kỳ trong cách sử dụng đảo ngữ một cách huyền diệu ta đã gặp bao phen, mà riêng ở đây, thể song thất lục bát càng phụ họa thêm cho âm điệu thơ biến đổi lẹ làng, chớp nhoáng, từ nhịp đến vần. Vừa ở trên, nhịp điệu thung dung của lục bát đương làm cho ta say lòng theo nhịp tiếng trúc, tiếng tơ, tiếp liền đây: Ầm tiếng trống bất thình lình giáng xuống như búa bổ. Và yêu vận lại tiếp vần liền, tăng thêm âm hưởng dồn dập cho thơ. Vừa mới say lòng quân vương đã tiếp liền tiếng trống Ngư Dương đổ tới, cho người không kịp trở tay. Khúc Nghê Thường đành tan biến.


Nói tóm lại, riêng ở đây, khả năng của thể song thất lục bát, vừa nhịp vừa vần đã khắng khít bắt tay với phép đảo trang của thiên tài lỗi lạc để cùng đồng thanh diễn tả chỗ khốc liệt của biến cố kéo đến từ Ngư Dương.


Lại để ý thêm, những âm hưởng chọi nhau (vì âm vận điệp hoặc vì phụ âm vận điệp) giữa hai câu thất: tiếng, tan; Ngư, Nghê; dương, thường; đến, biến; trống, không. Chúng gây nên một ấn tượng dị thường trong tâm não chúng ta: cái đẹp mong manh vỡ tan trước phũ phàng của gió lốc. Chim diều hâu đã ăn xé "con chim hồng trái tim nhỏ của tôi." (*)


 Chín lần thành khuyết bụi tung,
Nghìn xe muôn ngựa chơi vùng Tây Nam.

Tiếng chơi kỳ thú nằm giữa mịt mờ của phong ba: giữa những lao xao nghìn xe muôn ngựa, chín lần, bụi tung thành khuyết, tác giả đưa vào một tiếng chơi dị thường. Phải là cao tay ấn mới dám phóng túng ngang nhiên đến độ ấy. Nhà thi sĩ đi trên thế sự, có bùa phép nắm giữ hung thần ác quỷ nằm gọn dưới năm ngón "ngũ âm" dìu dặt như chơi. Có lồng lộn lên là lồng lộn với ai kia, Ác quỷ ạ.

Tiếng chơi còn mai mỉa biết bao! Trước cũng chơi, thì nay cũng chơi cho trót. Trước chơi với tơ trúc, Nghê Thường, thì nay chơi với bụi tung thành khuyết, muôn ngựa nghìn xe.



 
Ghi chú

(*) bài "Giục Giã", thơ Xuân Diệu.







No comments:

Post a Comment