Sunday 12 April 2015

Giảng bình 013-016








 

Vân mấn hoa nhan kim bộ diêu (3)
Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu
Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi
Tòng thử quân vương bất tảo triều


Mặt nàng đẹp như hoa, tóc mượt như mây, cài chiếc bộ dao bằng vàng. Nàng cùng vua trải qua đêm xuân trong trướng Phù Dung ấm áp. Đêm xuân tiếc rằng ngắn ngủi, mặt trời lên cao, mới trở dậy. Từ đó vua không ra ngự triều sớm nữa.


Vàng nhẹ bước lung lay tóc mái,
Màn phù dung êm ái đêm xuân.
Đêm xuân vắn vủn có ngần,
Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra.


Vàng nhẹ bước... Lời thơ cũng xiên xiên tha thướt như tóc mai lung lay trong lối đảo ngữ uyển chuyển. Theo cú pháp thuận, ta nói: Mái tóc vàng lung lay khi nàng nhẹ bước... Và thế là giữa văn xuôi và văn vần có một trời chia biệt. Trong thi ca nước nào trên quả đất có những vần tương tự thế không? Đi. Thế là vàng nhẹ bước. Mái tóc vàng choáng mất không gian. Ta nhìn đằng sau chỉ thấy vàng nhẹ bước, lung lay như lung linh hồn mộng... Giật mình mới biết đó là tóc mái đó ư? Vàng sẽ đi đâu? Vàng sẽ làm gì? Chỉ có màu phù dung đêm xuân êm ái biết. 

Đêm xuân vắn vủn có ngần... Có ngần ấy thôi? Lại bỏ lửng lần nữa. Đẹp đến dị thường. Đẹp bằng thơ Nguyễn Du. Và tài hoa hơn thơ Nguyễn Du. Còn cảm động thì mỗi bên cảm động mỗi lối... Đêm xuân vắn vủn có ngần... Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi. Trong câu thơ Nguyễn Du ngắn ngủi đi với có ngần ấy thôi nghe ra ngẹn ngào rất hợp điệu. Mà trong câu thơ Nguyễn Khắc Hiếu ở đây, tiếng vắn vủi mới thật là tài tình. Vắn vủi hay hơn ngắn ngủi. Êm dịu hơn nồng nàn hơn. Vắn vủi rất gần yêu thương. Vắn vủi, vuốt ve, vỗ về, cũng cùng vang một âm hưởng. 


Nhưng sao vắn vủi có ngần... Và ta e sợ. Linh cảm nỗi gì? Hạnh phúc sẽ mong manh? Ngày mai sẽ đến. Tiếng Trống Ngư Dương sẽ vĩnh viễn làm tan biến giấc mơ hoa. Và đêm xuân sẽ không bao giờ còn nữa. Đêm xuân vắn vủn có ngần, Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra. Dù có chậm rãi, nấn ná, dần dà, hồ dễ đã kéo dài được tình mộng miên man...
Nãy giờ, hai lần lời thơ đã xui ta linh cảm. Nhưng chưa hề gì. Giờ ta cứ đón vua ra và hỏi: Tại sao ngai rồng vua ra chậm phần từ đấy? Và tại sao ngồi ở ngai rồng mà con mắt bệ hạ cứ như mơ màng theo dõi mộng bên trong... Tại sao? Nhà vua lắc đầu, cười mà không đáp. Triều thần chúng ta cũng vui lây. Từ nay bãi triều sớm. Ta cũng sung sướng như học sinh được nghỉ học trước giờ ra. 


 Đêm xuân vắn vủn có ngần,
Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra. 

Giọng điệu câu thơ rất tài hoa trong dáng dấp giản dị, trong sáng gần như ca dao, và mặn mà y như ca dao. Tài hoa rất mực mà vẫn giản dị hồn nhiên. Đó là chỗ kỳ tuyệt của thơ.
Vô Danh dịch sát chứ không bóng bảy bằng.


Mền ấm gần trưa vừa mới dậy,
Từ đó nhà vua chẳng sớm chầu. 

Nếu Vô Danh dịch vừa ngang với nguyên tác, thì bạn thử so xem thiên tài Nguyễn Khắc Hiếu có vượt xa Bạch Cư Dị hay không. Nói "tòng thử quân vương bất tảo triều ", thì lời thơ chỉ là lời ghi chép sự việc. Như người cảnh sát lập biên bản, như viên giám thị ghi tên học sinh: trò A vắng mặt, trò B thường đi trễ. Hoặc như Lamartine cà riềng cà tỏi: Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne... (*1) 

Trái lại, viết như Tản Đà thì lời thơ đúng điệu mô tả. Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra. Câu thơ đặt theo phép đảo trang (đừng đảo, ta sẽ nói: Từ đó vua ra ngai rồng có phần chậm.) Trong phép đảo trang, khả năng diễn tả của mỗi từ ngữ được tận dụng. Ta cùng triều thần ngước nhìn lên ngai rồng chờ đợi. Vẫn vắng bóng quân vương? Chậm ... chậm phần ... vua ra ... Ta thấy vật, ta thấy người, ta thấy một sự kiện. Ta thấy sự sốt ruột của những kẻ chờ. Sự sốt ruột... hoặc không, sự hân hoan của bầy tôi hí hửng. Hiểu rồi. Hiểu rồi. Sở dĩ chậm phần là vì bởi cớ làm sao.




 


(*1)  
Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne,
Au coucher du soleil, tristement je m'assieds... 

So với một vần thơ Việt Nam, thì thơ Lamartine không đáng một xu: 


Nhớ nhung về đứng ngã ba,
Buồn thương chia nẻo dồn xa dặm dài...
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi...


tham khảo

Lamartine (1790-1869): http://poesie.webnet.fr/lesgrandsclassiques/poemes/alphonse_de_lamartine/l_isolement.html 








1 comment:

  1. Top 10 Reasons Why YouTube Admit to Pay Out Sports
    Why people pay sports gambling online With each of these factors, it's no surprise that YouTube is a part of the booming online youtube to mp3 gambling industry.

    ReplyDelete