Friday 10 April 2015

Giảng bình 005-008








 

Thiên sinh lệ chất nan tự khí
Nhất triêu tuyển tại quân vương trắc
Hồi mâu nhất tiếu bách mị sinh
Lục cung phấn đại vô nhan sắc 


Trời sinh ra chất đẹp đẽ, khó có thể bỏ đi được. Một buổi sáng kia, thiếu nữ được tuyển vào ở bên vua. Nàng liếc mắt lại, mỉm một nụ cười, trăm vẻ đẹp phát sinh, khiến cho các phi tần trong cung đều như không có nhan sắc.

Lạ gì của tuyết đông ngọc đúc,
Chốn ngai vàng phút chốc ngồi bên.
Một cười trăm vẻ thiên nhiên,
Sáu cung nhan sắc thua hờn phấn son.

Lạ gì của tuyết đông ngọc đúc: Rất gợi hình, gợi cảm. Thể thức câu thơ biến đổi vì một tiếng lạ gì. Lời thơ tránh được sự đơn điệu, dễ nhàm. Lại thêm những âm vận uyết, ông, ọc, úc, réo rắt một cách ngon lành giữa hai phụ âm đ điệp lại (đúc, đông). Đọc đến câu thơ khêu gợi ấy, những ai thuộc nòi tình của Kim Trọng hẳn phải mím môi, lim dim mắt hình dung trong tưởng tượng tấm thân ngọc ngà của người đẹp, để rồi "những là trộm dấu thầm yêu chốc mòng." Nhưng, coi chừng! Hãy nên kìm hãm bớt. Sẽ không bao giờ "may thay giải cấu tương phùng" đâu đấy nhé. 

Dịch như Vô Danh: Trời cho sắc đẹp bỏ không đành, hay chính nguyên văn: Thiên sinh lệ chất nan tự khí  (Trời sinh chất đẹp khó mà bỏ) có thể sánh được lời thơ dịch của Nguyễn Khắc Hiếu được chăng? 


Chốn ngai vàng phút chốc ngồi bên.
Âm vận, tiết điệu của song thất ở đây réo rắt một cách đắc thế. Y hệt như người hí hửng... từ nay chễm chệ ngai vàng. 

Dư hương vừa mới ở trên yết, ông, ọc, úc, chưa dứt ngạt ngào thì tiếp liền xuống út ốc thơm tho giữa những chốc, chốn, vàng, ngồi, ngai, ngọc. Điệp âm vận và điệp phụ âm đã hết điều tài tình! Khả năng khêu gợi của Việt ngữ đã được Tản Đà tận dụng. Linh hồn non nước nặng tình khắng khít với thiên tài của nước non! 


Lại để ý đối chữ: tuyết đông, ngọc đúc, ngai vàng. Thật là đủ hết trắng của tuyết, vàng của vàng, trong của ngọc, đúc của đông... Màu sắc giao thoa, âm thanh giao hợp, hồn mộng giao hòa, cho tình người xao xuyến giao duyên.


Một cười trăm vẻ thiên nhiên...

Từ song thất chuyển xuống lục bát, câu sáu nằm tròn trịa, thơ ngây, sáng ngời thiên nhiên như giai nhân với nụ cười trăm vẻ. Hiền như bột mà có gươm đao. Chết người là thế. Sáu cung nhan sắc thua hờn phấn son là thế. Thì sau này đã có bạc mệnh cũng đành chịu, chớ có kêu ca! 

Để ý, điệp phụ âm thanh thoát, mềm mại tuyệt vời: thiên, thua, nhiên, nhan, cười, cung, son, sắc, sáu. Chúng xen hòa nhau giữa nhịp điệu lục bát du dương như gió rì rào giữa lá hoa bên suối. 


Lại để ý đối ngữ: một cười giữa trăm vẻ, sáu cung... Cả thiên nhiên, tạo vật cùng quy cuồng quanh một nụ hàm tiếu của giai nhân để mà ríu rít iên iên, ua an ấn, ờn on (thiên nhiên, thua nhan phấn, hờn son...


Ngâm câu thơ lên dìu dịu, ta thơ thẩn lắc đầu. Lời ca ngợi của ta không xứng đáng. Làm sao cho Nguyễn Du tái sinh để thấy rằng hương thề chưa dứt. Tấm lòng của thi hào thế kỷ trước được đền đáp trọn trong tài hoa của thi bá thế kỷ sau. 


Ta không còn nhớ gì đến Bạch Cư Dị nữa. 


















No comments:

Post a Comment