Saturday 2 May 2015

Giảng bình 035-038




西


 

Thúy Hoa dao dao hành phục chỉ
Tây xuất đô môn bách dư lí
Lục quân bất phát vô nại hà
Uyển chuyển nga mi mã tiền tử


Cờ thúy hoa đương phất phới giong ruổi trên đường, bỗng dưng dừng lại, lúc đoàn quân vừa ra khỏi cửa kinh đô hơn trăm dặm về phía tây. Sáu quân không chịu tiến, không biết làm sao. Vua đành lòng để cho người đẹp oằn oại chết dưới ngựa.


Đi lại đứng hơn trăm dặm đất,
Cờ Thúy Hoa bóng phất lung lay.
Sáu quân rùng rắng làm rầy,
Mày ngài trước ngựa lúc này, thương ôi!

Cũng một giọng điệu khó hiểu. Không biết thật hay đùa. Thi nhân ái ngại hay mỉa mai. Cười cợt hay thông cảm. Đi lại đứng nghe ra làm sao? Hơn trăm dặm đất nghe ra thế nào? Ba lần điệp phụ âm đ có quỷ quái lắm không? Lại thêm cái bóng cờ Thúy Hoa bóng phất lung lay. Thơ mộng hay não nùng. Tiếng lung lay Tản Đà dùng rất lạ. Nếu dùng như bà Đoàn Thị Điểm: hàng cờ bay trông bóng phất phơ, ta sẵn sàng cho rằng nói về bóng cờ, tiếng phất phơ thích hợp hơn tiếng lung lay. Nhưng trong lời thơ của thiên tài, lung lay lại trở thành gợi hình vô hạn, chân xác hơn phất phơ một trăm lần. Vì nó mới mẻ. Nó không sáo. Nó buộc người ta phải nhìn lại một hình ảnh quá quen với hai con mắt mới, giữa những tang thương xô bồ. Thấy lung lay bởi vì thị quan thờ thẫn? Bởi vì người ta đã có thể tiên cảm sự bất hạnh sắp làm lung lay đời mình. Tấm thân mình có đứng vững giữa rùng rắng sáu quân?

 Sáu quân rùng rắng làm rầy... 

Ta dừng lại. Tiếng lung lay ở trước cũng như tiếng rùng rắng ở sau phải được chấp thuận với tất cả một cái nhìn mới mẻ cảm thông. Và rúng rắng làm rầy với 3 lần điệp phụ âm r đã cho phép ta trở lại với một tâm tình thỏa đáng với 3 lần điệp phụ âm đ ở trên đã chuẩn bị cho cái rúng rắng làm rầy ở dưới. Lời thơ kêu gọi nhau, sít sao trong âm hưởng của thiên tài trực giác giãi bày cho não nùng nông nỗi na năng...

Sáu quân rùng rắng làm rầy,
Mày ngài trước ngựa lúc này, thương ôi!
 

Không một tiếng thừa. Không một tiếng thiếu. Trường Hận Ca nghìn thu dằng dặc chung đúc trong 2 câu hết sức đơn sơ. Cái chết cũng không cần gọi rõ tên. Một tiếng thương ôi ở sau mày ngài trước ngựa đã nhiều lắm rồi.

Mày ngài trước ngựa lúc này, thương ôi! 

Tại sao lại thêm lúc này? Phải. Lúc này không còn như lúc trước nhé. Sáu quân lúc này không dễ khiến đâu nhé. Không dễ bảo như những con hầu nâng dậy lúc xưa đâu. Dù bận ấy vua yêu. Dù bận ấy vua dấu. Một tiếng lúc này của Tản Đà nói nhiều quá.


So với nguyên văn sẽ thấy gì? Ta không dám dùng tiếng so sánh nữa. Nga mi mã tiền tử 
: mày ngài chết trước ngựa, Bạch Cư Dị phải dùng tiếng chết mới nói được cái chết. Tản Đà không dùng tiếng chết mà nói được cái chết thảm thương hơn. Đưa vào thêm một tiếng lúc này. Thế là hết. Phút giây hiện tại lỡ làng này sẽ xóa bỏ vô hạn của quá khứ thân yêu và gây nên vô biên cho những tương lai nhớ tiếc. Cho đến bây giờ chúng ta lần giở lại... lời thơ của người còn nói lại những gì nữa với chúng ta? Thời gian dừng sững lại giây phút đây để gọi về anh hồn của một thiên tài oanh liệt giữa sông Đà núi Tản đã kết tinh. Tấm lòng xót thương của người mênh mông quá.

Nguyên văn chỉ như ghi chép sự việc lại đó để chờ thiên tài nước Việt đúc kết ra thơ. Bạch Cư Dị chỉ như là người đi tìm vật liệu để chờ Tản Đà tạo lập, kiến trúc... Cũng như Thanh Tâm Tài Nhân đối với Nguyễn Du.


Tản Đà đã làm thơ? Hay thơ đã cùng Tản Đà chung sống trong một thể xác? Tản Đà sử dụng âm thanh? Hay những âm thanh đã được Thượng Đế dành sẵn đợi Tản Đà? Ta không biết.


Điều nên để ý là con Tạo vốn thương yêu người nghệ sĩ, nên luôn luôn bày ra những trò oái ăm. Đưa bóng mờ che ánh sáng cho dịu bớt. Nếu không thì trần gian chịu sao nổi. Phải có một Phạm Quỳnh ngồi bên. Phải đưa một Bạch Cư Dị ra trước để ta nghĩ rằng Tản Đà chỉ là một dịch giả thôi. Phải có những Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng bên một Nguyễn Du.






No comments:

Post a Comment